Con thừa cân, mẹ vẫn lo còi

Đối với các bà mẹ, dù cho con họ có béo thế nào thì trong đầu họ vẫn luôn thường trực nỗi lo con mình bị còi. Điều này thực sự không tốt cho trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ vì có thể gây ra bệnh béo phì, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.


Bi hài mẹ xót con còi 


Mới 1 tuổi, bé Bí – con chị Cúc (Thành Công, Hà Nội) đã nặng gần 12kg. Với số cân thừa như thế này, chị vẫn lo ngay ngáy con bị còi. Chị lúc nào cũng nhấn mạnh: “Thà để con mập một chút còn hơn là trơ xương. Con gầy quá, thứ nhất là sẽ không khỏe mạnh, nhì là người ta lại chê nhà mình là chăm con kém, bố mẹ núc ních thịt mỡ mà con thì gầy nhăng nhẳng”.

Lúc bé Bí mới ra đời, do thể trạng người mẹ nên bác sĩ chỉ định phải sinh mổ, ra đời sớm hơn so với dự kiến là 2 tuần. Với lý do này chị càng xót xa cho con mình hơn. Nhìn con nhà người khác sinh ra được 3,4 – 3,6kg, chị xuýt xoa thầm ước: “Vì mẹ mà con khổ, mẹ xin lỗi con. Mẹ hứa sẽ làm tất cả vì con”.

Sau những màn dằn vặt bản thân, chị quyết định sẽ bằng hết sức có thể sẽ kiếm cho con những đồ ăn tốt nhất, dinh dưỡng nhất, bổ béo nhất. Ngoài sữa mẹ chị tăng cường cho con cả sữa Tây, tháng thứ 4 chị đã cho bé ăn cháo với đầy đủ các thực phẩm tươi ngon như: cá hồi, thịt bò, rau củ quả nhưng đặc biệt vẫn phải có nhiều thịt. Chị tâm sự: “Thịt chứa lượng protein lớn sẽ khiến con chắc khỏe, có da có thịt”

Cũng có con béo nhưng chị Nhi (Đống Đa, Hà Nội) lại không thấy vậy, chị suốt ngày lo con còi cọc. Đi bất cứ đâu chị cũng làm một bài toán so sánh với con: “Tại sao cu Tít nhà mình ăn mỗi bữa có 1 bát cháo trong khi cậu bé hàng xóm ăn những 2 bát”, “Sao Tít mỗi bữa có 100ml sữa trong khi em họ nó uống liền 240ml sữa?”…

Thế là dù con không muốn chị vẫn cố ép con ăn nhiều bữa hơn với số lượng đồ ăn nhiều hơn. Thậm chí có nhiều lúc con nôn trớ vì quá đầy bụng, chị lại hì hục chuẩn bị đồ ăn khác cho con. Điều này khiến Tít sợ ăn vô cùng. Cứ khi nào thấy anh chồng lắc đầu bảo: “Phải hãm cân thôi, Tít múp míp không nhìn được cổ rồi”, thì chị lại mắng chồng: “Phỉ phui câu nói của anh đi, Tít gầy thế này, mặt mũi xanh lét như tàu chuối thế này mà, rồi anh xem, con trơ hết cả xương sườn rồi”.

Bỏ ngoài tai câu của chồng: “Xương sườn ai chẳng bị lộ hả em?”, chị vẫn lo đứng lo ngồi về chuyện con còi. Nhắc tới chủ đề về con, chị Nhi lúc nào cũng kêu ca về cân nặng, bạn bè nhìn vào còn trố mắt nhìn: “Thế này mà bạn còn lo còi á, con béo đấy?”. Chị Nhi lại thở dài: “Bạn không biết chứ ngày nào bà nội cũng gọi điện từ quê lên trách ‘các con quá bận rộn kiếm tiền chẳng để ý tới Tít thì sau này nó kém phát triển cũng tại các con mà thôi. Ai đời 18 tháng tuổi rồi mà cháu tôi có 15kg bao giờ”. Phải đến khi đi khám ở viện Dinh dưỡng, cả gia đình chị mới ngạc nhiên khi biết con mình thuộc dạng “béo phì”.

Đầu tiên, phải chữa bệnh tâm lý cho mẹ 


Đó là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Hồng Hà, không chỉ có hai trường hợp trên mà nỗi lo con còi (dù con có da có thịt thậm chí đạt ngưỡng thừa cân) tồn tại ở rất nhiều bậc phụ huynh.

Đó dường như là tâm lý chung tồn tại ở nhiều cha mẹ, họ luôn mong con bụ bẫm bởi họ cho rằng con như vậy đi đôi với thể chất khỏe mạnh, ăn ngoan ngủ kỹ. Chuyên gia cho rằng việc quan tâm chăm sóc con là tốt nhưng nếu biến đó thành mục tiêu phấn đấu, dồn ép con ăn quá đà sẽ không tốt chút nào.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Lực - Viện Bảo hộ lao động cho biết, có nhiều trường hợp, bà mẹ thấy con béo rồi nhưng thấy con hàng xóm béo hơn, ăn nhiều hơn thế là về ép con ăn lấy ăn để.

Đây là một trong những sai lầm lớn khi cha mẹ chăm con, ép con ăn sẽ gây ra tình trạng thừa cân và kéo theo vô vàn hệ lụy bệnh tật khác. Để làm cha mẹ thông minh, bạn mẹ nên theo dõi thường xuyên bảng tiêu chuẩn về chiều cao và cân nặng của bé. Nếu bé đang ở mức bình thường thì cha mẹ không nên ép con ăn.

Nếu bé thừa cân thì bạn cũng không nên hạn chế con ăn, cho nhịn mà nên giúp con tăng cường vận động để tiêu hao những lượng mỡ thừa. Việc bất ngờ "cho nhịn" sẽ khiến sức khỏe của trẻ không được đảm bảo.

Cha mẹ nên sửa đổi thói quen ăn uống bất lợi của trẻ. Cha mẹ nên giảm tối đa cho bé ăn những thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, giàu đường mỡ, tăng cường cho bé ăn thật nhiều rau củ quả. Tập cho con ăn từ từ, ít một, ăn chậm, nhai kỹ ngay cả khi con đang đói.
[Sưu tầm]
 

Blogger news

Blogroll

About