Theo thông tin tại hội thảo công bố kết quả tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Đông Nam Á, 50% trẻ em Việt Nam đang thiếu các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể. Sự thiếu vi chất này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó một lý do chính là do trẻ bị cha mẹ ép ăn với quan niệm ăn càng nhiều càng đủ chất. Điều này dẫn đến việc trẻ không muốn ăn và càng không hoàn thiện về dinh dưỡng.
Mỗi trẻ có cơ chế đói - no, thích và không thích ăn món gì đó của riêng mình, bản thân người lớn cũng vậy. Nếu quyết định con phải ăn bao nhiêu, ăn cái gì thì cha mẹ không chỉ "triệt tiêu" cơ chế ăn uống tự nhiên của trẻ, mà còn khiến bé mất nhiều kỹ năng khác. Đó là khả năng chọn lựa điều tốt cho mình, khả năng tự lập, tự quyết định.
Để khắc phục tình trạng đó, cha mẹ nên tập luyện cho bé ăn đúng giờ, đúng bữa, có thể chia nhỏ ra làm nhiều bữa ăn, ví dụ 3 bữa chính, 2 - 3 bữa phụ. Mẹ chỉ quyết định con ăn những gì, lúc nào, ở đâu. Còn khi đã dọn lên bàn ăn thì hãy để bé tự quyết định chọn ăn cái gì, ăn bao nhiêu. Cha mẹ đừng lo khi con ăn một bữa không đủ các chất hoặc ăn không hết suất đưa ra, vì cơ chế ăn của trẻ tính theo tuần, không tính theo ngày. Bạn hãy viết lại những món và bé chọn, rồi thống kê lại theo tuần. Nếu bạn để bé hoàn toàn lựa chọn, bạn sẽ thấy bé vẫn ăn cân bằng khá đầy đủ các chất.
Nghiên cứu của trường đại học Montreal ở Canada trên 122 bà mẹ có con từ 3 tuổi đến 5 tuổi cho thấy các bà mẹ độc tài, ép con ăn thì con của họ càng ít ăn món ăn bổ dưỡng, thay vào đó trẻ ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt hơn. Ngược lại, con của những bà mẹ dân chủ thì ăn rau nhiều hơn. Kết quả chứng tỏ: việc trẻ ăn gì không chỉ vì khẩu vị riêng mà còn ở cách phụ huynh đối xử với bé.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho thấy việc trẻ không thích, không thể ăn món gì đó khi còn nhỏ là phổ biến. Đừng vì con từ chối ăn món nào đó mà cha mẹ kết tội là vì con muốn chống đối hay tại con hư. Khi trẻ biếng ăn, cha mẹ đừng nói: "Con ăn ngoan đi mẹ thương!" mà hãy nói: "Con ăn cho con khỏe nào!" và :Con không ăn thì sẽ đói đấy!". Điều đó giúp bé hiểu việc ăn là quyền lợi, là thú vui của chính mình.
Để làm rõ điều này, nếu con làm nũng, không chịu ăn, vừa ăn vừa chơi, quá 30 phút, bạn cứ dọn dẹp hết. Sau đó, nhất quyết không cho bé ăn gì cho đến bữa tiếp theo. Bé nhịn bữa này, sẽ ăn ngon và ăn bù vào bữa sau. Ngoài ra, điều đó sẽ luyện tập cho bé thái độ giờ nào việc ấy, cũng như tuân thủ kỷ luật.
Thực tế khi bị ép ăn, bé sẽ mất cơ chế ăn tự nhiên, từ đó trẻ mất cân bằng dinh dưỡng. Một khi đã mất cảm giác đói hay thèm ăn những chất cơ thể đang thiếu, bé sẽ hoặc không muốn ăn gì cả, hoặc ăn theo sự chọn lựa của cha mẹ. Đơn cử, vào ngày trẻ thích ăn thịt và ăn rất nhiều do cơ thể đang thiếu đạm, mẹ lại bắt bé ăn thêm rau, bé sẽ chán luôn cả rau lẫn thịt và không có được đủ protein. Vào ngày trẻ chỉ toàn ăn rau do đang thiếu vitamin và chất xơ, mẹ lại la con "sao không ăn thịt?" và ép trẻ ăn thịt cho cân bằng. Đó là lý do vì sao mẹ càng ép con ăn, trẻ càng chán ăn và ngay cả khi bạn dỗ dành, ép buộc trẻ ăn tròn bữa, trẻ vẫn thấp bé, vẫn suy dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ hãy để bé ăn theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể và tìm cách hoàn thiện tối đa dinh dưỡng hằng ngày cho con. Nếu bé bị ép ăn quá lâu và không còn muốn ăn thì mẹ sẽ rất khó để tập lại cho bé cảm giác thích thú với việc ăn. Thời gian đầu bạn để bé tự do, có thể bé sẽ nhịn đói. Lúc này, mẹ hãy bù đắp lượng dinh dưỡng bằng những nguồn khác, ngoài thức ăn, tốt nhất là bằng sữa có bổ sung đủ các chất. Song song đó, cha mẹ hãy hỏi bé thích ăn món gì và làm cho bé món đó.
Cha mẹ có thể bổ sung cho bé các loại sữa cân bằng dinh dưỡng ngay sau bữa ăn, hoặc sau bữa ăn từ 30 phút đến một tiếng. Mẹ đừng cho trẻ uống sữa trước bữa ăn vì trẻ có thể lửng bụng và không muốn ăn nữa.
(Sưu tầm)